Quả bưởi diễn được ép thành hình thỏi vàng, hai bên là cặp chữ nổi: “Tài – Lộc” theo phong cách thư pháp. Giá bán mỗi cặp quả không dưới 1 triệu đồng, nếu bán cây giá bán từ hơn 10 triệu đồng vẫn có nhiều khách đặt mua.
Thị trường cây cảnh phục vụ dịp tết Nguyên đán Canh Tý 2020 tại Hà Nội đang vào thời điểm sôi động, nhộn nhịp nhất, khi nhiều sản phẩm cây cảnh, hoa quả độc đáo, mới lạ được các nhà vườn khắp các tỉnh đưa về thủ đô. Trong đó, bưởi thỏi vàng “Tài – Lộc” trồng tại Hưng Yên đang được bày bán chợ cây cảnh Tứ Liên (quận Tây Hồ, Hà Nội) nằm trong số sản phẩm đắt khách dịp này.
Cảm nhận chung của nhiều vị khách khi đứng trước gian hàng bưởi Diễn thỏi vàng của ông Phan Quang Huy là mùi hương thơm ngát tỏa ra từ những quả bưởi đang chín. Quả bưởi hình thỏi vàng, màu vàng óng, nổi bật trên thân quả là cặp chữ nổi “Tài – Lộc” khiến ai ghé qua cũng trầm trồ, ngạc nhiên. Những quả bưởi này được tạo ra từ đôi bàn tay khéo léo của ông Phan Quang Huy, ở xã Thanh Lâm, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Có niềm đam mê với cây cảnh, phần lớn thời gian trong năm, ông Huy gắn bó làm việc với nhà vườn trồng bưởi tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên săn tìm thuê, mua cây nguyên liệu để sáng tạo ra những cây cảnh độc, lạ bán ra thị trường dịp tết Nguyên đán hàng năm.
“Vào dịp tết Nguyên đán cách đây hơn 4 năm, khi đọc báo, tôi thấy nông dân phía Nam trồng được bưởi tạo hình hồ lô, thỏi vàng, thậm chí là hình giọt nước, bằng giống bưởi Da xanh rất đẹp. Tôi nghĩ họ làm được, mình chắc làm được, nên mày mò trồng thử nghiệm”, ông Huy kể lại.
Nhìn lại sau nhiều năm nghiên cứu và gặp không ít thất bại, ông Huy cho rằng, làm bưởi tạo hình thỏi vàng là khó nhất, vì bưởi hồ lô, giọt nước thì có thể tạo hình theo dáng quả tự nhiên. Còn đối với bưởi thỏi vàng đòi hỏi những kỹ thuật khó, tỉ mỉ hơn rất nhiều, để làm sao ép quả “phòi” ra hai bên, hơi nhô lên cao cho giống hình thỏi vàng nhất.
Bắt tay vào làm bưởi thỏi vàng, đầu tiên, ông Huy phải tìm thợ cơ khí trao đổi ý tưởng thiết kế khuôn ép. Khó nhất là công đoạn cắt tạo rãnh khuôn để in chữ nổi trên quả. Rãnh không được quá sâu, quá dày mà đòi hỏi độ mỏng cân đối, vuông thành, sắc cạnh để chữ càng nổi, nét. Những năm đầu làm, ông Huy phải bàn bạc với thợ cơ khí chỉnh đi chỉnh lại, mài dũa hàng chục lần để cho ra một chiếc khuôn ép như ý.